Từ một quy luật đơn giản nhưng phổ biến, chúng ta có thể ứng dụng nguyên lý Pareto vào đa dạng các bài toán quản lý để gia tăng tính hiệu quả trong giải quyết vấn đề.
Lưu Nhật Huy, MD, IMT
Nguyên lý Pareto là gì
Nguyên lý Pareto còn được gọi là quy luật Pareto, hoặc gọi là Luật 80/20 là quy luật về phân bổ (distribution) nhân tố, trong đó có thiểu số là quan trọng. Hiểu một cách đơn giản là 80% hệ quả gây ra bởi chỉ 20% nguyên nhân chủ chốt.
Quy luật này xuất phát từ nhà kinh tế người Ý Vilfredo Pareto. Ông thống kê và thấy rằng 80% đất tại nước Ý thuộc sở hữu của chỉ 20% dân số, và sau đó thấy tỷ lệ này cũng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác.
Joseph M. Juran – kỹ sư và nhà tư vấn quản lý người Mỹ gốc Romania – sau đó đề xuất quy luật này và đặt theo tên của Pareto, chứ chính Pareto không gọi phát hiện của mình là một quy luật.
Nguyên lý Pareto xuất hiện ở đâu
Chúng ta có thể quan sát thấy tỷ lệ 80/20 này xuất hiện ở nhiều lĩnh vực như:
1. Kinh doanh và bán hàng:
– 80% doanh thu của một công ty thường đến từ 20% khách hàng.
– 80% kết quả của một nhóm bán hàng được tạo ra bởi 20% nhân viên bán hàng.
– 80% lợi nhuận của một công ty đến từ 20% sản phẩm hoặc dịch vụ chủ chốt.
2. Quản lý thời gian:
– 80% kết quả của bạn đến từ 20% các hoạt động của bạn.
– 80% năng suất của bạn đến từ 20% các nhiệm vụ của bạn.
– 80% thời gian của bạn được dành cho 20% ưu tiên của bạn.
– 80% lần gặp của bạn là gặp 20% số người quen.
– 80% số quần áo, bạn chỉ mặc 20% số quần áo thường dùng
3. Tài chính cá nhân:
– 80% khối tài sản của bạn thường đến từ 20% nguồn thu nhập của bạn.
– 80% chi tiêu của bạn đến từ 20% thói quen chi tiêu.
– 80% lợi nhuận đầu tư của bạn được tạo ra bởi 20% danh mục đầu tư.
4. Sức khỏe và thể dục:
– 80% kết quả thể dục đến từ 20% thói quen tập luyện.
– 80% các vấn đề sức khỏe liên quan đến 20% lựa chọn lối sống của bạn.
– 80% năng lượng và sức sống đến từ 20% thói quen tốt làm hàng ngày.
5. Phát triển phần mềm:
– 80% mã nguồn được viết bởi 20% nhà phát triển.
– 80% lỗi được gây ra bởi 20% mã nguồn.
– 80% tính năng được sử dụng bởi 20% người dùng.
Nguyên lý Pareto và quản lý hiệu quả
Khi mỗi vấn đề xuất hiện, bạn sẽ luôn có nhiều nguyên nhân liên quan đến nó. Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có một nguyên nhân gốc duy nhất, vì vấn đề thường là một câu chuyện chứ không phải một sự kiện. IMT khuyến khích nhìn đa chiều và có chiều sâu về nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân kỹ thuật, nguồn lực, môi trường, phương pháp lẫn con người.
Khi vẽ ra được một biểu đồ xương cá có nhiều nhánh chính và nhánh con (biểu đồ Ishikawa) để tìm mối liên hệ nhân – quả giữa các yếu tố, bạn hãy chọn 2-3 nguyên nhân chính yếu tạo ra được những thay đổi lớn về kết quả. Tức chỉ cần giải quyết với số lượng khoảng 20% nguyên nhân chủ chốt để đạt được đến 80% kết quả mong đợi.
Sẽ hiệu quả hơn nếu các bạn có thể sử dụng các dữ liệu thống kê để tìm ra các nguyên nhân chính yếu. Từ đó mới có thể quyết định dựa trên dữ liệu hơn là cảm giác.
Hình minh họa trên đây là một ví dụ thực tế khi IMT đi tư vấn cho một trong top 5 công ty thức ăn gia súc lớn nhất Việt Nam, để tăng được 184h chạy máy trong nhà máy.
Có nhất thiết là 80/20?
Lưu ý rằng không nên hiểu một cách cứng nhắc về luật 80/20. Luôn tồn tại một số k (50 < k < 100) sao cho k% của thứ ấy là thuộc sở hữu của (100 – k)% số người trong đó. Tuy nhiên k sẽ thay đổi từ 50 trong trường hợp phân bố đều cho đến gần 100% khi một lượng rất nhỏ người sở hữu hầu hết tất cả tài nguyên. Không có điều gì đặc biệt đối với con số 80 nhưng nhiều hệ thống có số k có giá trị ở khoảng này. (Wikipedia)
Liên hệ IMT nếu quý vị muốn đào tạo cho lực lượng nhân viên của mình Phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả và tạo dựng văn hóa cải tiến liên tục