Phát triển trực giác nhà lãnh đạo – P.2

Cơ chế của trực giác (Nền tảng khoa học thần kinh – neuroscience)

Trong lĩnh vực y học, khoa học thần kinh được nghiên cứu để xác định những phần bị tổn thương của bộ não để trị bệnh, còn trong lĩnh vực tâm lý học, khoa học thần kinh được nghiên cứu để xác định suy nghĩ của con người diễn ra trong não bộ và cụ thể hơn là mạng neuron chạy như thế nào. Nhờ đó, chúng ta có thể hiểu được cách thức làm việc, ra quyết định của con người để phát triển năng lực của công người hiệu quả hơn. Để hiểu được cơ chế của trực giác, cần hiểu cách xử lý thông tin của bộ não, vai trò của các ngưỡng tuyệt đối và neurotransmitters và quá trình hình thành trực giác.

Về mặt sinh học, bộ não người có 3 vùng cơ bản:

  • Vùng não cơ bản chịu trách nhiệm đảm bảo sống còn (survival brain)
  • Vùng não cảm xúc hay hệ limbic (emotional brain – limbic system) đảm nhiệm chức năng liên quan đến cảm xúc, ký ức và kích thích.
  • Vùng não suy nghĩ hay còn gọi là vỏ não mới (thinking brain – neocortex), đảm nhiệm các chức năng bậc cao như cảm thụ giác quan, nhận thức, tạo ra các lệnh điều khiển vận động, lý luận, cảm nhận về không gian và xử lý ngôn ngữ.
  • Vùng não cơ bản chịu trách nhiệm đảm bảo sống còn (survival brain)
  • Vùng não cảm xúc hay hệ limbic (emotional brain – limbic system) đảm nhiệm chức năng liên quan đến cảm xúc, ký ức và kích thích.
  • Vùng não suy nghĩ hay còn gọi là vỏ não mới (thinking brain – neocortex), đảm nhiệm các chức năng bậc cao như cảm thụ giác quan, nhận thức, tạo ra các lệnh điều khiển vận động, lý luận, cảm nhận về không gian và xử lý ngôn ngữ.

Về mặt ý thức, bộ não con người tồn tại 3 vùng: ý thức, vô thức và tiềm thức.

  • Ý thức: các kích thích đủ lớn, vượt qua ngưỡng tuyệt đối để phần cortex khuếch đại ra một cách rõ ràng.
  • Vô thức: các kích thích chưa đủ qua ngưỡng tuyệt đối để não đủ nhận biết. Là những quá trình xảy ra trong tâm trí của con người, xảy ra một cách tự động, không thể dùng ý chí để điều khiển. Nó bao gồm các quá trình tư duy, trí nhớ, và các động cơ tiềm ẩn (Westen, Drew (1999)
  • Tiềm thức là phần giao giữa ý thức và vô thức

Tín hiệu được truyền đến não rất nhiều nhưng không phải tất cả các tín hiệu đều được bộ não nhận ra. Chúng ta chỉ bật ra được suy nghĩ khi các liên kết neuron trong não đủ lớn, liên kết mạnh mẽ. Chỉ khoảng 20% tín hiệu vượt qua được ngưỡng tuyệt đối làm cho chúng ta bật ra được ý thức, và 80% tín hiệu còn lại chỉ hoạt động trong não như liên kết yếu, chưa hình thành rõ ràng không đủ vượt qua ngưỡng của ý thức (tức là còn ở mức vô thức). Các liên kết này được gọi là neurotransmitters. Hàm lượng và cường độ phóng thích neurotransmitters quyết định đến sự thôi thúc hành vi một cách có ý thức và cả sự thôi thúc hành vi một cách vô ý thức. Chính việc não phóng thích ra rất nhiều neurotransmitters mà chúng ta không biết (chưa qua ngưỡng tuyệt đối) cho nên con người đôi khi không lý giải được chuyện mình làm.

Trực giác là khả năng phán đoán bằng những hoạt động suy luận của não ở trạng thái TIỀM THỨC, VÔ THỨC. Trực giác làm chúng ta ra quyết định trước khi ý thức kịp biết chuyện gì xảy ra, và do đó không lý giải được bằng logic thông thường. Trong cuộc sống, con người thường ra quyết định trước khi chúng ta kịp suy nghĩ (trực giác). Đôi khi chúng ta phòng tránh được các rủi ro, nguy hiểm nhờ các hành động mà chúng ta chưa kịp định hình tại sao lại làm như vậy. Ví dụ: thấy bồn chồn trước khi có người thân gặp nguy hiểm (do các tín hiệu phát ra từ người thân được truyền đến ta), thắng xe trước khi mắt ta nhìn thấy nguy cơ đụng xe (do não bộ đã nhận được tín hiệu là xe bên cạnh dừng đột ngột),…

Nắm bắt cơ chế này, người ta có thể ứng dụng hiểu biết về ngưỡng tuyệt đối trong thôi miên. Những người thôi miên dùng các tín hiệu vô cùng nhỏ, khi đó những tín hiệu này kích thích bộ não ở mức độ cực thấp, mặc dù chúng ta không ý thức được nhưng bộ não vẫn xử lý và kết quả là hành động theo các thôi thúc vô thức này theo sự điều khiển của người thực hiện thôi miên. Không chỉ vậy, thủ thuật này còn được dùng trong kinh doanh để kích thích người dùng mua sản phẩm khi nhìn thấy các quảng cáo. Chẳng hạn như chiến dịch quảng cáo của Coca Cola năm 1995 đã cài cắm vào một kích thích tính dục trong hình. Do đó, khi nhìn thấy 1 chai Coca Cola trên quảng cáo, endorphins trong não của chúng ta đã phóng thích và làm người xem thấy hưng phấn.

Phát triển trực giác lãnh đạo

Trực giác giúp các nhà lãnh đạo hành động khi có những kích thích rất nhỏ từ thị trường, giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, không phải tất cả những hành động mà chúng ta không hiểu rõ lý do mình hành động như vậy đều do trực giác dẫn dắt. Nhà lãnh đạo phải phân biệt được rõ giữa tính nhạy cảm (sensing) với việc sử dụng trực giác (tiếp nhận tín hiệu dưới ngưỡng tuyệt đối một cách sáng rõ). Nhạy cảm cũng là quá trình tiếp nhận các tín hiệu nhưng các loại hormone (neurotransmitters) được tiết ra một cách không kiểm soát, do đó thường tạo ra bệnh lý rối loạn lo âu (anxiety disorder) rồi dẫn đến stress hay triệu chứng tâm thần khác. Để hạn chế việc ra quyết định sai lầm, cần luyện tập để phân biệt rõ ranh giới giữa trực giác (intuition) và nhạy cảm (sensing).

Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng trực giác? Câu trả lời là hình thành các mô thức tư duy (pattern) thông qua học hỏi và hạ thấp ngưỡng tuyệt đối – tức tăng khả năng tiếp nhận các tín hiệu não có cường độ thấp hơn mức bình thường có thể cảm nhận được. Chúng ta có thể hình thành các mô thức tư duy qua 2 tầng học của não bộ gồm: tầng học bởi ý thức (học bằng lý lẽ, bằng suy luận, bằng lô-gic, học ra được ngôn ngữ) và tầng học trong vô thức (học bằng những mô thức của các neurotransmitters).

Phát triển tầng học ý thức

Trong kinh doanh, các nhà quản lý, lãnh đạo giỏi cố gắng học được các mô thức lặp đi lặp lại ở nhiều quy mô khác nhau của vấn đề. Do vậy khi những vấn đề phát sinh, họ gần như nhận diện được các dạng thức của vấn đề và có được cách giải quyết ngay lập tức trước khi họ nhận biết và phân tích các vấn đề đó. Ví dụ: Khi Henrry Ford đến thăm quan 1 lò mổ heo, ông thấy các con heo được di chuyển từ đầu lò mổ đến cuối lò mổ thì hoàn tất việc mổ. Ngay lập tức ông hình dung ra được cách thức sản xuất mới của mình và cũng chính là cách thức sản xuất mới chuyển từ sản xuất dạng sản xuất theo cụm (job shop) sang dạng sản xuất dạng dây chuyền lắp ráp (one piece flow). Quá trình quan sát của ông không chỉ dừng lại ở việc hiểu kỹ thuật mổ heo mà phát triển thành mô thức sản xuất của hoạt động mổ heo. Tương tự, trong lần đi thăm quan hệ thống siêu thị Mỹ, ông Taiichi Ono (Toyota) đã phát triển hệ thống kéo Kanban từ việc nhìn thấy hệ thống tự phát tín hiệu cảnh báo khi số lượng trứng trong khay thấp hơn ngưỡng cho phép để nhân viên mang thêm ra cho đủ số lượng quy định.

Hai ví dụ trên cho thấy những đổi mới mang tính đột phá về công nghiệp xuất phát từ những điều rất đơn giản. Như vậy, để phát triển trực giác thì lãnh đạo nên tiếp cận các bài học thành công/ thất bại của người khác, tập thói quen quan sát. Khi quan sát thì không nên quá chú trọng vào tiểu tiết mà nên hình dung ra bức tranh tổng thể (big picture), phát hiện ra các mô thức (pattern) trong đó. Nhờ đó khi xử lý vấn đề, não bộ sẽ sử dụng các mô thức này để ra quyết định mà đôi khi ta không hiểu tại sao có quyết định như vậy (sử dụng trực giác). Tương tự, lĩnh vực học máy (machine learning) và dữ liệu lớn (big data) dựa trên niềm tin rằng các mô thức sẽ lặp lại nhưng ở những dạng thức khác. Từ đó, các nhà phát triển cố gắng hệ thống hoá thông tin thành các mô thức để dự đoán (predict) điều gì sẽ diễn ra trong tương lai, hay tìm kiếm những bất biến trong thế giới vạn biến.

Phát triển tầng học vô thức – vai trò của thấu hiểu cảm xúc

Neurotransmitters được phóng thích hầu hết tập trung ở vùng não cảm xúc (limbic) khi nhận diện vô số các kích thích và tự động cố gắng nhận ra các mô thức kích thích (pattern of stimulus), đó là quá trình tiến hóa của não. Các nhà khoa học đang cố gắng mô phỏng hệ thống này để hiểu cơ chế và tìm cách tác động giúp nâng cao trực giác cho con người. Trong quá trình hình thành các mô thức của não, trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng, giúp chúng ta hiểu được bản thân, hiểu được người khác. Vì vậy, khi phát triển được trí tuệ cảm xúc tốt, các kích thích được tiếp nhận và xử lý tốt hơn, hình thành nhiều mô thức hơn. Kết quả là trực giác cũng được phát triển tốt hơn.

Phát triển khả năng đồng cảm

Tại sao trong kinh doanh, khả năng đồng cảm (empathy) cực kỳ quan trọng?

  • Khách hàng là con người.
  • Đồng cảm giúp nhận diện những tín hiệu thay đổi hành vi khách hàng sớm hơn HỌ TỰ NHẬN RA.
  • Đồng cảm giúp nhận diện ra những thay đổi gì là PHÙ HỢP với khách hàng hơn, kích thích được PATTERN OF STIMULUS của họ
  • Đồng cảm với khách hàng giúp nhận diện sớm tín hiệu thay đổi hay là chết
  • TỪ ĐÓ HÌNH THÀNH TRỰC GIÁC CHIẾN LƯỢC CHO SỰ THAY ĐỔI.

Một điều rất đáng báo động hiện nay là các nhà lãnh đạo khi công ty càng lớn lên lại càng xa cách khách hàng mà làm việc với báo cáo nhiều hơn. Ngược hẳn với giai đoạn khởi nghiệp, họ phải lăn lộn với khách hàng trực tiếp, và nhờ đó hình thành trực giác tốt hơn khi ra quyết định thị trường. Do đó, doanh nghiệp lớn rất dễ vấp phải sai lầm ở mức chiến lược, khi mà lãnh đạo mất đi trực giác với khách hàng và chỉ tiếp cận thông tin bị nhiễu qua nhiều cấp quản lý khác nhau.

Hạ thấp ngưỡng tuyệt đối – vai trò của thiền định

Với những thiết bị hiện đại ngày nay, những nghiên cứu về khoa học thần kinh và tâm lý học đã đưa ra nhiều giải thích cho cơ chế vận hành của não. Những kết quả này cho thấy trực giác là hoàn toàn có thể nuôi dưỡng được và giúp cho việc ra quyết định hiệu quả hơn. Lý do chính là khi một người thực tập thiền định, các tín hiệu nhiễu loạn sẽ được giảm bớt hay loại bỏ. Kết quả là não có thể nhận biết ra được các tín hiệu ở mức thấp hơn mà bình thường bị các tín hiệu có biên độ lớn và nhiễu loạn che phủ. Do đó có thể nói rằng thiền định giúp làm mới và làm cơ chế vận hành hệ thống xử lý trong não bộ được tinh tế hơn, cho phép sử dụng tư duy vùng vô thức.

Ngoài ra với cách tiếp cận kết hợp Khoa học thần kinh và Phật giáo, công trình nghiên cứu của Sharon Begley “Train your mind, Change your Brain” cho thấy con người có thể dùng suy nghĩ của mình để quyết định cấu trúc của não bộ (chỉ thị cho chính não bộ của mình “nối dây” cho những liên kết neuron nào). Chính vì khả năng này nên con người có thể luyện tập để hạ thấp ngưỡng tuyệt đối, cảm nhận sâu hơn vào vùng vô thức. Khi làm được điều đó, nhà lãnh đạo trở thành những Steven Job với khả năng ra quyết định nhanh nhạy từ trực giác.

Trong môi trường doanh nghiệp, cấp lãnh đạo/ quản lý là một nhóm người. Trực giác mỗi người có thể khác nhau trong nhóm. Cần đưa họ vào bối cảnh giống nhau để họ cùng chịu những kích thích giống nhau từ đó sẽ tạo được trực giác tương thích với nhau, giúp tăng mức độ đồng thuận khi ra quyết định dựa trên trực giác chung của nhóm.

IMT chúc các bạn đọc sẽ thành công trong việc luyện tập trực giác của mình.

Tóm tắt:
  1. Để nuôi dưỡng trực giác cần học ở các 2 tầng ý thức và vô thức. Nuôi dưỡng trực giác là quá trình lâu dài, cần duy trì sự học để phát triển không ngừng trực giác của bản thân
  2. Nhà lãnh đạo cần sử dụng trí tuệ cảm xúc (đồng cảm với khách hàng) thay vì chỉ sử dụng các báo cáo từ dưới lên để nâng cao trực giác kinh doanh, nhận biết sớm những nhu cầu của khách hàng trước khi họ nhận ra những nhu cầu đó
  3. Cần cố gắng quan sát, tiếp nhận, và tìm hiểu những thành công và thất bại của người khác để tự định hình cho mình những mô thức ra quyết định (có sẵn trong bộ não).

 

Nhóm tác giả: Huỳnh Bảo Tuân – Bùi T. Thắm – Lưu Nhật Huy

Nếu chưa xem phần 1 – tham khảo tại đây

Mời các bạn tham khảo thêm các kiến thức hữu ích khác và kết nối với chúng tôi qua Facebook IMT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *