Quản lý doanh nghiệp gia đình trường tồn

Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật quản lý doanh nghiệp gia đình, loại hình doanh nghiệp có tính đặc thù và đang chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ (IMT) đã tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về Bí quyết quản lý doanh nghiệp gia đình tại TP. Hồ Chí Minh (ngày 17 tháng 12 năm 2019) và TP. Hà Nội (ngày 19 tháng 12 năm 2019) thu hút hơn 200 chủ doanh nghiệp và nhà quản lý cấp cao từ các công ty gia đình tham dự.

Theo quan sát sơ bộ của IMT, doanh nghiệp gia đình đang chiếm số lượng lớn trong các doanh nghiệp tư nhân và tạo ra ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Vượt qua nhiều khó khăn và dù có một số đứt gãy nhất định trong lịch sử, các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cũng đã đến giai đoạn chuyển giao cho thế hệ thứ 2 và 3. Việc chuyển giao bí quyết quản lý, bí quyết kỹ thuật và quyền quản lý cho người kế nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cũng đang lúng túng trong việc định hình ra một cấu trúc đủ cân bằng giữa tính gia đình và nhu cầu quản lý linh động và khách quan, hay định hình ra một chiến lược bao hàm được những điểm đặc trưng của loại hình doanh nghiệp này.

Hơn nữa, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam thường được liên tưởng đến nhiều hơn theo góc nhìn tiêu cực. Tại hội thảo, chị Hồng Nhung từ công ty Identity chia sẻ: “Khi nghĩ tới công ty gia đình thì điều thường thấy là tất cả quyết định thuộc về bên trong gia đình. Do đó, người quản lý bên ngoài vào thì khả năng đóng góp tiếng nói trong công ty gia đình thì hầu như không có. Sự phát triển trong công ty gia đình về vốn và tiền, cũng như quan điểm phát triển tại các công ty Việt Nam chưa được tốt”. Các vấn đề thường gặp nhất là sự bảo thủ, quyết định chuyên quyền mang tính võ đoán, hệ thống quản trị lỗi thời, sử dụng người thân kém năng lực, thiên lệch lợi ích theo gia đình và đôi khi là mâu thuẫn ngay trong chính gia tộc. Góc nhìn này gây ảnh hưởng trái chiều đến độ thậm chí có nhiều công ty gia đình rất ngại ngùng khi công bố ra bên ngoài doanh nghiệp của mình là công ty gia đình.

Hình ảnh: Seminar về Quản lý doanh nghiệp gia đình trường tồn của IMT tại TP.HCM, 17.12.2019

Trong khi đó, Nhật Bản chiếm 7/10 doanh nghiệp lâu đời nhất thế giới, và có hàng ngàn công ty trường tồn nhiều thế kỷ. Không chỉ đơn thuần dừng ở mức chia sẻ kinh nghiệm quản lý giữa các doanh nghiệp, giới học thuật cũng tham gia với số lượng nghiên cứu chuyên sâu rất phong phú về chủ đề này. IMT cho rằng có nhiều bài học hữu ích nên được thấu hiểu từ các lý thuyết và trường hợp điển hình từ các thành công vượt thời đại, từ đó liên tưởng và ứng dụng linh hoạt cho các doanh nghiệp Việt, cũng như tiết kiệm nguồn lực khi không phải lặp lại thất bại đã được phân tích kỹ lưỡng từ đất nước mặt trời mọc.

TS Hidekazu Sone, Phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính sách, Đại học Nghệ thuật và Văn hóa Shizuoka kiêm giám đốc điều hành của Học viện kinh doanh gia đình Nhật Bản cho biết: “Trái với suy nghĩ thường gặp về tính co cụm và tập trung vào an toàn, rất nhiều doanh nghiệp gia đình Nhật Bản chia sẻ tinh thần Yamaraika từ khi khởi sự doanh nghiệp hàng trăm năm trước. Đặc trưng của tinh thần này, theo thổ ngữ vùng Enshu, là tinh thần “Cứ làm sẽ đến – just do it”, thể hiện khao khát các thách thức và tinh thần chiến đấu của cộng đồng. Triết lý quản lý của Suzuki , Toyota, Yamaha, Honda v.v… cũng phản ánh tinh thần chiến đấu này.”

Điểm cần chú ý là doanh nghiệp gia đình được định nghĩa là loại hình doanh nghiệp mà người thành lập và gia đình họ sở hữu một lượng cổ phần đáng kể hoặc những người này đang nắm quyền quản lý và có tầm ảnh hưởng lớn tới kinh doanh. Như vậy, không nhất thiết gia tộc phải nắm phần lớn cổ phần mới được xem là doanh nghiệp gia đình, mà chỉ cần nắm quyền quản lý hoặc khả năng tạo ảnh hưởng lớn đến công ty.

Hình ảnh: Seminar Quản lý doanh nghiệp gia đình trường tồn do IMT tổ chức tại Hà Nội, 19.12.2019

Theo Busines Week, chiến lược kinh doanh hữu hiệu nhất của doanh nghiệp là huyết thống. Tỷ lệ cổ tức, tỷ lệ tăng trưởng của các công ty gia đình trường tồn thường vượt trội so với các doanh nghiệp khác. Theo nghiên cứu của Goto (2006), những doanh nghiệp tồn tại trên 100 năm hầu hết là doanh nghiệp gia đình. Tại Nhật Bản có đến 99% trong số hơn 3100 công ty tồn tại trên 200 năm là doanh nghiệp gia đình. Các thông số trên phần nào cho thấy lợi thế trong việc duy trì sự phát triển liên tục của loại hình doanh nghiệp này. Đồng ý với quan điểm này, chị Vưu Lệ Quyên – Tổng Giám đốc công ty Bitis nhận định “Doanh nghiệp gia đình tốt vì giữ được giá trị cốt lõi và hướng đi từ đầu đã được vạch ra, có sự tiếp nối liên tục, do đó sự vững bền của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn”. Thêm vào đó, ngoài khả năng quản lý, sự tinh thông nghề nghiệp được kế truyền cũng là lợi thế lớn. Ông Trần Duy Hy, chủ tịch công ty Nhựa Duy Tân chia sẻ thêm: “Kiến thức thì có thể học bên ngoài nhưng nghề mình đã làm nhiều năm thì truyền thụ trực tiếp là hiệu quả nhất”.

Để có thể trường tồn, các doanh nghiệp gia đình cần phải quan tâm chính trên các điểm sau:

  • Cần xây dựng một nền tảng văn hóa vững vàng, thể hiện chính thức qua Gia phong – một bảng quy tắc hành xử được lập ra và đảm bảo tôn trọng nghiêm ngặt qua các thế hệ, trong đó bao hàm những giá trị tốt đẹp chung dành cho xã hội như đối xử công bằng, tinh thần bất vụ lợi, tinh thần phụng sự, tôn trọng sự thật, lòng biết ơn… Không chỉ sử dụng riêng trong gia đình, Gia phong còn là nét văn hóa chung của toàn công ty.
  • Giữ tinh thần hòa hợp với cộng đồng, trở thành một công ty được người dân địa phương yêu mến và tôn trọng, do đó tồn tại gắn bó mật thiết với nhau như một thành tố lâu dài nơi doanh nghiệp hoạt động. Đây là quan điểm “siêu dài hạn”, rất khác biệt với tư duy nhiệm kỳ của các công ty thông thường.
  • Đào tạo nhân lực cho những người kế nghiệp từ nhỏ, cả về kỹ năng quản lý lẫn bí quyết kỹ thuật, về kỹ thuật lẫn nghệ thuật quản lý, và tạo ra lòng yêu nghề và bám sát hiện trường sản xuất và kinh doanh từ thuở thiếu thời, thay vì bảo bọc thái quá hoặc để sát lúc cần mới yêu cầu kế nghiệp. Đặc biệt quan trọng, cần phải cho làm việc từ những vị trí thấp nhất và luân chuyển qua nhiều chức năng khác nhau mới được cho thăng tiến, và đặc biệt nghiêm khắc hơn những người bình thường về kết quả họ làm ra trong quá trình huấn luyện này. Trong đó, người kế nghiệm sẽ phải xây dựng sự đồng cảm, mối quan quan hệ và sự tin tưởng rộng khắp.

Các doanh nghiệp gia đình cũng cần phải tránh đi các sai lầm điển hình đã được nghiên cứu như sau

  • Tập trung quá nhiều vào lợi ích của dòng tộc, đặt trên sự hòa hợp với xã hội và đi ngược lại những giá trị chung của xã hội. Điểm này sẽ làm giảm giá trị của công ty và lập tức gây trở ngại đến sự trường tồn của doanh nghiệp.
  • Không nắm vững tài chính – kế toán. Ít nhất phải có một người trong gia đình nắm vững về kế toán để điều khiển được dòng tiền một cách lành mạnh.
  • Lẫn lộn công tư: sử dụng tiền bạc kém phân minh, thiên vị người thân quá đáng, hoặc mở rộng kinh doanh theo ý cá nhân quá nhanh. Hơn nữa, người quản lý nếu có thái độ ngang ngược, độc đoán, kém minh bạch với những người liên quan cũng sẽ đưa doanh nghiệp đi xuống rất nhanh.
  • Để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong gia tộc mà không có một cơ chế ngăn ngừa và phân xử từ sớm như Hội đồng gia tộc – bao gồm các thành viên lão thành và những người có uy tín lớn hoặc đang điều hành doanh nghiệp. Hội đồng gia tộc sẽ đảm bảo các quyết định được đưa ra bám sát với những chuẩn mực đạo đức và quản lý từ Gia phong.

Tóm lại, doanh nghiệp gia đình – nếu có thể sử dụng các đặc điểm lợi thế của nó đúng cách – sẽ là những doanh nghiệp có tiềm năng vượt trội trong việc tạo ra lợi nhuận bền vững và trở thành những công ty trường tồn qua nhiều thời đại. Các vốn quý của doanh nghiệp gia đình là tinh thần doanh nhân được huấn luyện từ nhỏ và nhất quán, hiệu quả kinh doanh xuyên thế hệ (transgenerational family effect), duy trì tài sản liên tục tích tụ vượt thời đại, và khả năng gắn kết thông qua việc phụng sự cộng đồng.

Về Ban Tổ chức:

  • Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ (IMT) là một đơn vị tư vấn quản lý và huấn luyện doanh nghiệp được thành lập từ 2005 với sứ mệnh chuyển giao sự xuất sắc để xây dựng sự thịnh vượng chung của xã hội. Dịch vụ chính của IMT là tư vấn chiến lược, xây dựng văn hóa, phát triển năng lực quản lý và tối ưu hóa vận hành.
  • Cộng đồng Cựu tu nghiệp sinh AOTS (AOTS Alumni Society) là nơi hội tụ của các cựu tu nghiệp sinh quản lý và kỹ thuật theo chương trình của Hiệp hội hợp tác kỹ thuật hải ngoại và phát triển bền vững (Association of Oversea Technical Cooperation and Sustainable Development – AOTS) thành lập từ 1995. Từ năm 1959 đến nay, đã có hơn 10.000 cựu tu nghiệp sinh quản lý và hơn 13.000 cựu tu nghiệp sinh kỹ thuật người Việt Nam đã được đào tạo tại Nhật Bản theo chương trình của AOTS. Khi về nước, họ đã đóng góp những nỗ lực rất lớn vào sự phát triển kinh tế và quản lý tại Việt Nam. AOTS hiện nay vẫn đang tiếp tục cung cấp những chương trình học bổng tại Nhật Bản, hợp tác đào tạo và phái cử chuyên gia tại Việt Nam thông qua AVAS và IMT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *