Có nhiều phương pháp phân tích và định nhóm tâm lý khác nhau đang được các doanh nghiệp sử dụng như MBTI, Big Five Locator, DISC… Trong quá trình sử dụng, IMT thấy rằng các quản lý và cấp vận hành cần có một công cụ ít phức tạp, dễ hiểu và dễ nhớ hơn với đa số. Công cụ tâm lý hình học là một công cụ đắc lực để các bên có thể hiểu tâm ý nhau, biết được điểm mạnh yếu, và cách đối xử hợp ý cho từng nhóm đối tượng đơn giản theo hình học.
“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”
“Chín người mười ý”
“Thương nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau thì bồ hòn cũng méo”
“Thương nhau lắm cắn nhau đau”,…
Rất khó có thể phân định đúng, sai vì góc nhìn của mỗi người là không giống nhau. Hiểu bản thân đã khó thì hiểu người khác là một thách thức thật sự. Làm thế nào để nhận diện, hiểu rõ mình và hiểu người khác để có được phương thức giao tiếp phù hợp?
Tâm lý hình học là gì?
Tâm lý hình học là cách phân loại các nhóm tính cách con người sử dụng các hình cơ bản, thường đi kèm với màu sắc đặc trưng của hình đó, nhằm nhận diện bản thân, nhận diện người khác và đưa ra các hành đông ứng xử phù hợp nhằm tăng khả năng chấp nhận sự đa dạng và thúc đẩy tính tương hợp trong cộng tác.
Tâm tính của một con người như một tảng băng trôi, người bên ngoài thường sẽ nhìn thấy được phần nổi. Dù phần chìm nhiều hơn nhưng đôi khi ngay chính cả bản thân người đó cũng không thể hiểu hết được. Phần chìm được thể hiện thông qua các Giá trị cá nhân ẩn trong mỗi con người. (Tham khảo về phần chìm – Giá trị cá nhân tại đây). Phần nổi được thể hiện ra bên ngoài thông qua các hành vi tự nhiên, có thể quan sát được. Bài viết này sẽ đề cập đến cách nhận dạng và xác định các xu hướng hành vi thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế ở hầu hết các công ty là mong muốn tăng hiệu quả giao tiếp, giảm stress và tăng sự gắn kết giữa các đội nhóm phòng ban, một giải pháp thiết thực đã được khám phá và ứng dụng dựa trên nghiên cứu phân tích tâm lý học hành vi về 5 nhóm tích cách hình học của Tiến sĩ Susan Dellinger (1978). Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, mô hình tâm lý hình học vẫn được đánh giá cao vì tính dễ hiểu, dễ ứng dụng và mang lại hiệu quả bất ngờ.
Các hình trong tâm lý hình học là gì?
Năm hình học được Tiến sĩ Dellinger sử dụng gồm có: hình tam giác, hình tròn, hình vuông, hình zic zac và hình chữ nhật.
Mỗi hình tượng trưng cho một nhóm tính cách của mỗi người. Cả 5 nhóm tính cách này đều tồn tại trong một con người nhưng chỉ có một hoặc hai nhóm là thể hiện vượt trội, lấn át các nhóm khác và tạo nên nét tính cách đặc trưng của người đó.
Chúng ta có thể nhận diện tính cách một người qua các hành vi quan sát được từ bên ngoài tương ứng với các hình như sau:
- Hình tam giác: Mạnh mẽ, quyết đoán, gọn gàng, luôn có mục tiêu, thích bận rộn, hay sốt ruột, khó đi vào chi tiết
- Hình tròn: Luôn quan tâm và nhạy cảm đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác, thích làm việc nhóm
- Hình vuông: Cầu toàn, nghiêm túc, chỉnh chu, gọn gàng, ngăn nắp, chuẩn mực, chú ý đến từng chi tiết
- Hình zic zac: Thích cái mới và độc đáo, đam mê sáng tạo, hay đãng trí, vụng về, thích làm việc độc lập
- Hình chữ nhật: Dễ mất phương hướng hoặc bị thất vọng, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, dễ nổi nóng, nhưng hình này đang trong giai đoạn học tập rất hiệu quả.
Các hành vi thường thấy này có thể biến mất hoàn toàn nếu đối tượng đang trong giai đoạn căng thẳng, cụ thể:
- Hình tam giác: sẽ trở nên gay gắt hơn bình thường, dễ nổi nóng hơn và càng thiếu kiên nhẫn. Đôi khi hình tam giác trở nên đầy “cảm xúc” như bật khóc – điều mà lúc bình thường không thể thấy ở họ.
- Hình tròn: sẽ trở nên lặng lẽ, khép mình. Đôi khi hình tròn sẽ trở nên gay gắt với mọi người, họ có thể thẳng thừng chỉ trích, phê bình mọi người. Bạn sẽ khó nhận ra hình tròn nhẹ nhàng, hòa nhã như mọi ngày.
- Hình vuông: có khuynh hướng bừa bãi chứ không ngăn nắp như thường nhật. Khi đã bắt tay thực hiện một kế hoạch đã thống nhất, hình vuông sẽ cực kỳ bực bội khi phải thay đổi. Dưới áp lực thiếu thời gian, hình vuông sẽ từ chối làm những việc gì chưa có kế hoạch rõ ràng.
- Hình zic zac: sẽ mất đi sự hăng say, hài hước và tràn đầy cảm hứng như bình thường nữa. Họ cũng có khuynh hướng rút lui và khép kín.
- Hình chữ nhật: Vốn đã không ổn định, khi bị áp lực, họ càng phân tâm và dễ thay đổi, có những lúc “vỡ òa cảm xúc” rồi ngay sau đó lại “thu mình”.
Ứng xử thế nào sau khi nhận biết được người khác và bản thân
Từ việc nhận diện hành vi thể hiện ra bên ngoài thường xuyên và quan sát các biểu hiện thường gặp khi stress của đối phương, chúng ta có thể lý giải và phân tích được đặc điểm tính cách của người đó. Từ đó, đưa ra phương thức giao tiếp, cũng như phân công công việc phù hợp.
Để việc áp dụng mang lại hiệu quả, chúng ta cần phải thật sự mong muốn hiểu về bản thân, hiểu đối phương, trung thực với bản thân khi tiến hành nhận diện chính mình, chấp nhật sự thật và luôn hướng tới sự thay đổi tích cực.
- Những nhóm tính cách nào có thể va chạm với nhau trong giao tiếp?
- Những nhóm tính cách nào sẽ làm việc cùng nhau ăn ý nhất?
- Cách thức tiếp cận với các nhóm tính cách khác nhau như thế nào để tăng hiệu quả giao tiếp?
- Vận dụng tâm lý hình học trong phân công công việc ra sao?
Nếu bạn thật sự muốn hiểu và lý giải được xu hướng hành động bản thân, hiểu về người khác để cảm thông, gắn kết và giao tiếp hiệu quả thì tâm lý hình học sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp bạn thực hiện việc này.
Hãy liên hệ IMT để được kiểm tra về tính cách và làm cho đội ngũ của mình cũng có khả năng đó. Chúng tôi đã giới thiệu tâm lý hình học đến BlueScope Steel, Viettel, Vietinbank, VPBank, Điện Quang, Hải Hà,… trong những năm qua và đạt được thật nhiều sự thông hiểu và niềm vui từ đó.
Tạ Thị Lâm Thảo, IMT