Tích hợp tiêu chuẩn 5S vào hệ thống TPM

Tiếp nối chuỗi bài về 5S và Tiêu chuẩn 5S, IMT chia sẻ cách thức tích hợp hệ thống tiêu chuẩn 5S vào hệ thống TPM. 5S được xem là nền tảng của tất cả các hệ thống quản lý vận hành như Lean, TPM, TQM, Six Sigma và các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như: ISO, GMP, IATF… Do đó, việc duy trì hoạt động 5S tốt sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình thiết lập và vận hành các hệ thống được thuận lợi và hiệu quả.

Người viết: Nguyễn Thanh Đức, PM, IMT

Để thiết lập một nền tảng vững chắc cho các hệ thống quản lý thì như thế nào?

Hoạt động 5S hay tiêu chuẩn 5S cần phải gắn liền với những hoạt động của hệ thống đó như thói quen hàng ngày (Daily Routines), kết hợp cùng với các chính sách khác để nâng đỡ cho toàn bộ hệ thống vận hành trơn tru hơn.

Do đó, việc tích hợp hệ thống tiêu chuẩn 5S vào hệ thống TPM (Bảo trì năng suất toàn diện) để hỗ trợ duy trì và nâng cao hiệu suất máy móc và vận hành, là một thí dụ điển hình mà IMT đã có kinh nghiệm triển khai.

Cách tích hợp tiêu chuẩn 5S với các trụ cột của TPM

Hệ thống TPM cơ bản có 8 trụ cột chính, mỗi trụ cột đều có chức năng riêng biệt và liên kết với nhau nhằm đảm bảo mục tiêu “4 Không”: Không dừng máy (Zero Breakdown), Không lỗi (Zero Defect), Không lãng phí (Zero Waste), Không tai nạn (Zero Accident).

1. Trụ cột Bảo trì tự quản (AM-Autonomous Maintenance)

Trọng tâm của AM là nâng cao năng lực của nhân viên vận hành trong công việc bảo trì và bảo dưỡng cơ bản cho thiết bị máy móc. Điều này không chỉ giúp duy trì hoạt động hiệu quả của thiết bị mà còn giảm thiểu sự cố, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tiêu chuẩn 5S hỗ trợ trụ cột AM bằng cách tạo ra một môi trường làm việc có tổ chức nhằm giúp cho nhân viên vận hành phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và duy trì hoạt động liên tục của thiết bị.

IMT chia sẻ một số tiêu chuẩn 5S như sau:

  • Thẻ đỏ (Red Tag): Sử dụng thẻ đỏ để đánh dấu các vật tư, nguyên liệu, công dụng cụ, máy móc không cần thiết trong khu vực sản xuất và xung quanh máy móc, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc loại bỏ chúng và chỉ giữ lại những thứ thật sự cần thiết cho quá trình vận hành và bảo trì máy móc.

  • Định bóng (Shadow Board): Sắp xếp các công cụ và phụ tùng thay thế trên bảng định bóng để dễ dàng nhận dạng nhanh chóng.

  • Hướng dẫn VKBS hoặc CLIT (Làm sạch, bôi trơn, kiểm tra và siết chặt): Hướng dẫn trực quan quy trình vệ sinh và kiểm tra thiết bị để duy trì các điều kiện tối ưu.

  • Bài học một điểm (OPL): Phát triển tài liệu đào tạo trực quan và ngắn gọn cho các nhiệm vụ bảo trì.

Tích hợp tiêu chuẩn 5S vào hệ thống TPM

2. Trụ cột Bảo trì có kế hoạch (PM-Planned Maintenance)

Trọng tâm của PM là xây dựng và thực hiện các kế hoạch bảo trì định kỳ nhằm tiên lượng trước các sự cố hỏng hóc có thể xảy ra và duy trì hiệu suất hoạt động của thiết bị.

Tiêu chuẩn 5S hỗ trợ trụ cột PM trong việc thiết lập các hoạt động bảo trì phòng ngừa và tiêu chuẩn hóa thành các quy trình và quy định để đảm bảo mục tiêu đảm bảo thiết bị luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất, giảm thiểu thời gian ngừng máy và tối ưu hóa năng suất MMTB.

IMT chia sẻ một số tiêu chuẩn 5S như sau:

  • Thẻ yêu cầu sửa chữa (TPM Tag): Để xác định và ưu tiên các thiết bị cần bảo trì hoặc kiểm tra phòng ngừa.

  • Kiểm soát trực quan (Visual Control): Triển khai các biện pháp kiểm soát trực quan như tem nhãn và biển báo có mã màu để cho biết lịch bảo trì, kiểm kê các bộ phận và vị trí công dụng cụ.

  • Danh sách kiểm tra (Checklist): Lập lịch vệ sinh định kỳ cho các máy móc và thiết bị, công cụ dụng cụ quan trong để ngăn ngừa bụi và dầu mỡ tích tụ.

  • Quy trình vận hành tiêu chuẩn cho Bảo trì phòng ngừa (SOPs): Phát triển và ghi lại các quy trình tiêu chuẩn hóa cho các nhiệm vụ bảo trì phòng ngừa.

Tích hợp tiêu chuẩn 5S vào hệ thống TPM

3. Trụ cột Cải tiến tập trung (FI-Focused Improvement)

Trọng tâm của FI là liên tục cải tiến quy trình và thiết bị để loại bỏ lãng phí, giảm thiểu sự cố và tăng cường hiệu suất.

Tiêu chuẩn 5S hỗ trợ trụ cột FI trong việc thúc đẩy các hoạt động cải tiến nhỏ và liên tục, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể như zero defects (không lỗi), zero breakdowns (không hỏng hóc) và zero accidents (không tai nạn).

IMT chia sẻ một số tiêu chuẩn 5S như sau:

  • Phát triển SOPs: Triển khai các hình thức đăng ký và phê duyệt nhanh ý tưởng cải tiến từ phía người vận hành thông qua những phương tiện và công nghệ như QR Code.

  • Bảng tin hoạt động cải tiến (Dashboard): Sử dụng các công cụ trực quan như bảng Kanban để theo dõi trạng thái của các dự án cải tiến và duy trì các cải tiến.

  • Trực quan lịch trình cải tiến và danh mục cải tiến tập trung (Roadmap, Project List): Tạo bản đồ trực quan từng mốc thời gian và hạn mục công việc để tiện cho việc truyền thông cho Ban dự án dễ tương tác với các bộ phận. Ngoài ra, tất cả các dự án cải tiến tập trung được trực quan hóa thông tin về người phụ trách chính, dự kiến mức đầu tư và chi phí lên trên bản để mọi người cùng biết và hỗ trợ.

Tích hợp tiêu chuẩn 5S vào hệ thống TPM

4. Trụ cột Bảo trì chất lượng (QM-Quality Maintenance)

Trọng tâm của QM là đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định và không có khuyết tật thông qua việc duy trì và cải thiện các điều kiện của thiết bị và quy trình sản xuất.

Tiêu chuẩn 5S sẽ hỗ trợ QM tập trung vào việc xác định và loại bỏ các nguyên nhân gây ra lỗi sản phẩm và thiết lập các biện pháp kiểm soát chất lượng để ngăn ngừa sự cố tái diễn.

IMT chia sẻ một số tiêu chuẩn 5S như sau:

  • Gắn thẻ lỗi (Defect Tagging): Sử dụng thẻ màu để xác định và phân loại các thành phần lỗi trong khu vực sản xuất.

  • Bài học một điểm (OPL): Xây dựng tài liệu đào tạo trực quan về phương pháp kiểm soát chất lượng.

  • Hướng dẫn kiểm tra chất lượng (SOPs for Quality Checks): Ghi nhận các nguồn gây bẩn và nghi ngờ bất thường lên Sơ đồ máy móc thiết bị.

Tích hợp tiêu chuẩn 5S vào hệ thống TPM

Các trụ cột còn lại như EEM, EHS, TPM Office, Training & Education là những trụ cột tập trung vào cải thiện quy trình làm việc, tăng cường tính tuân thủ và tạo ra một môi trường làm việc an toàn và hiệu quả. Do đó, Tiêu chuẩn 5S sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc duy trì và nâng cao hiệu suất sản xuất theo hệ thống của TPM.

  • Sàng lọc: Loại bỏ các tài liệu và vật dụng không cần thiết, tối ưu hóa không gian văn phòng.

  • Sắp xếp: Sắp xếp tài liệu và công cụ văn phòng một cách hợp lý, giúp dễ dàng truy cập và sử dụng.

  • Sạch sẽ: Duy trì vệ sinh và kiểm tra nhằm tạo môi trường làm việc thoải mái và chuyên nghiệp.

  • Săn sóc: Thiết lập các tiêu chuẩn văn phòng và quy trình làm việc đảm bảo tính hiệu quả và nhất quán.

  • Sẵn sàng: Đảm bảo mọi người trong văn phòng hiểu và tuân thủ các quy định và quy trình 5S, nâng cao tính kỷ luật và chất lượng công việc.

Tóm lại

Tiêu chuẩn 5S là nền tảng và công cụ hỗ trợ mật thiết đến trụ cột AM và PM để đảm bảo móc móc vận hành liên tục và trơn tru, nâng cao hiệu suất thông qua cải thiện chỉ số OEE, thúc đẩy văn hóa hợp tác giữa các bộ phận trong vấn đề nâng cao hiệu suất máy móc thiết bị. Các trụ cột còn lại thì Tiêu chuẩn 5S hỗ trợ để cải thiện quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối văn phòng.

Mục tiêu cuối cùng của việc tích hợp tiêu chuẩn 5S vào các trụ cột của TPM là đảm bảo 4 Không: Không dừng máy, không lãng phí, không lỗi, và không tai nạn. Tiêu chuẩn 5S hỗ trợ việc này thông qua việc tạo ra một môi trường làm việc ngăn nắp, an toàn và hiệu quả, từ đó giúp các hoạt động hàng ngày diễn ra trôi chảy và hiệu quả. Ngoài ra, các chính sách đi kèm và đồng hành cùng Tiêu chuẩn 5S sẽ là giải pháp toàn vẹn để triển khai TPM thành công.

Nếu quý vị cần hỗ trợ về dịch vụ tư vấn, huấn luyện, kèm cặp triển khai 5S, Continuos Improvement, LEAN liên lạc với IMT qua email info@imt.vn. Và tiếp tục theo dõi các bài viết của IMT để cập nhật thêm những trí thức mới về thế giới của hoạt động 5S nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *