Hội thảo về AI – cơ hội và thách thức cho Tập đoàn Viettel

Hội thảo về AI

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2021 –  IMT và Học viện Viettel đã tổ chức hội thảo về AI – Xu hướng phát triển và cơ hội cho Viettel với sự tham gia của 420 thành viên từ các đơn vị của tập đoàn. Hội thảo trang bị và cập nhật cho các cán bộ quản lý những xu thế phát triển và tiến bộ mới nhất của công nghệ cũng như các bài học kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn. Từ đó, định hình ra những cơ hội phát triển cho Tập đoàn và nơi công tác.

AI là gì?

AI hay trí tuệ nhân tạo là một ngành học và một hệ sinh thái nhằm tìm hiểu và tạo năng lực “trí thông minh” cho máy tính. Một hệ AI quan sát môi trường quanh mình và hành động để tối ưu cơ hội đạt được mục tiêu. Không như hình dung trước đây về những hệ chuyên gia, hiện nay công nghệ AI có tính phổ quát. AI có thể ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực, qua đó có thể góp phần thay đổi thế giới chúng ta, mạnh mẽ như máy hơi nước và điện năng đã tạo ra thay đổi cho cách mạng công nghiệp lần đầu.

Xu hướng chính và những lĩnh vực cơ bản

AI đã trở nên phổ dụng vào các thiết bị và ứng dụng thường ngày như khi chúng ta dùng Siri trên iPhone, hay nói chuyện với Alexa, hoặc tìm đường với Google Maps. Đó là khía cạnh dễ nhận thấy nhất, nằm trong 06 lĩnh vực AI chính hiện nay:

  • Tự động hóa quy trình robot: cách robot thay thế con người làm trong những lĩnh vực từ đơn giản đến phức tạp như hàn khung xe ô tô, phân loại bưu kiện, sắp xếp hàng hóa tự động trong kho hàng, đến lấy và phân thuốc trong các nhà thuốc bệnh viện.
  • Xử lý ngôn ngữ tự nhiên: chuyển tiếng nói thành văn bản, máy tự đọc hiểu và tóm tắt hay đánh giá nội dung, giao tiếp máy – người gần như thật để có thể đáp ứng hàng chục triệu cuộc gọi khách hàng là các thành tựu gần đây trong NLP (natural language processing). AI đã có khả năng trả lời chính xác câu hỏi văn bản đến 95.4% (CodeLab, 2020) đối với tiếng Anh.
  • Thị giác máy tính: công ty xây dựng có thể sử dụng camera AI để giám sát các nhân viên đang làm việc ở vị trí mất an toàn trên công trường, hay phân tích thao tác nhân viên đang làm việc tại nhà máy để tối ưu hóa công việc của họ nhằm tăng năng suất, một cửa hàng có thể thống kê khách hàng có vui hơn hay không sau khi đi shopping… AI bây giờ có thể nhận diện tương đối chính xác vật dụng, con người, bối cảnh với độ chính xác đến hơn 98.8% (HAI Standford, 2021), cao hơn cả con người.
  • Ngoài ra, AI đang hỗ trợ mạnh mẽ cho việc lập kế hoạch và tối ưu hóa, mô hình hóa và mô phỏng, dự đoán thị trường… nhờ khả năng phân tích dựa trên dữ liệu lớn của nó.

Tương lai loài người còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhờ vào ứng dụng AI để tạo ra nhữngngôi nhà và thành phố thông minh, tạo ra nền giáo dục cá nhân hóa cao độ với trợ lý ảo có thể hướng dẫn chúng ta cần phải học gì riêng cho bản thân mình, nâng cao điều kiện y tế và sức khỏe thông qua chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị hoặc sản xuất nhanh hơn các loại vaccine, thúc đẩy vượt qua giới hạn và tiết kiệm chi phí cho giả lập trong  khoa học, và đưa con người tiến xa hơn vào không gian do các robot có thể học hỏi từ môi trường mới và chuyển những gì học hỏi được về cho con người – như ví dụ về xe tự hành Preserverance trên sứ mệnh sao Hỏa.

 

AI có như phim viễn tưởng

Mặc dù đã đạt được những bước tiến rất xa so với trước, nhưng về bản chất, con người đang xây dựng AI để có được trí thông minh như mình. Trong thực tế, con người chưa đạt được nhiều hiểu biết về cách làm thế nào bộ não có thể đạt được mức thông minh vượt trội với cả hai dòng xử lý trực giác và luận lý. Do đó, bước tiến AI còn gặp rất nhiều hạn chế. Theo tiên đoán của Rodney Brooks, một giáo sư AI đã chuyển sang khởi nghiệp công ty riêng, thực tế cho tương lai AI có thể là

  • 2022: Dịch vụ “taxi” không người lái đầu tiên tại một thành phố lớn của Hoa Kỳ, với các điểm đón và trả khách chuyên dụng, và các hạn chế về thời tiết và thời gian trong ngày.
  • 2023: máy đàm thoại xử lý ngữ cảnh dài hạn, không sa vào các mẫu lặp đi lặp lại dễ nhận diện
  • 2030: Một hệ thống AI với sự tồn tại liên tục (không lặp lại như các hệ thống AI hiện nay) ở cấp độ của một con chuột.
  • 2048: Một robot có vẻ thông minh, chu đáo và trung thành như một con chó.

Do đó, bạn có thể yên tâm rằng trong ba thập kỷ nữa, tương lai vẫn chưa đạt đến mức độ AI tự đề ra mục tiêu và lập các lợi ích cho riêng mình. Một viễn cảnh đáng sợ mà Stephen Hawking đã đề cập đến.

AI ảnh hưởng thế nào đến các ngành kinh doanh 

Với lượng khách hàng lớn cũng như lượng dữ liệu quý giá có được từ đó, ngành viễn thông đang là ngành hàng đầu trong ứng dụng AI (McKinsey, 2020). AI mang lại thay đổi hàng loạt trước tiên trong vận hành dịch vụ và mạng lưới, cách thức tung ra các sản phẩm, và cách làm marketing hay bán hàng. Kế đến, các ngành sản xuất công nghệ cao, logistics cũng có mức độ xâm nhập AI cao đáng kể.

Riêng đối với ngành logistics, có đến 1/3 giá trị của AI được tạo ra trên chuỗi cung ứng (McKinsey, 2020) và tiết giảm đến 5% tổng chi phí (Golman Sachs, 2020). Vì vậy ngành này sẽ được hưởng lợi đáng kể trong tương lai nếu có đầu tư đúng mức. Ai giúp ngành logistics thiết kế lại việc lập kế hoạch tối ưu, trang bị nhà kho tự động, vận chuyển và giao hàng kiểu mới, tự động hóa công việc văn phòng và tiếp cận khách hàng (AI Multiple).

Các mảng khác đang tăng trưởng vượt trội, một phần nhờ đại dịch đã biến thành cơ hội, là y tế và giáo dục với độ tăng trưởng 30-40% mỗi năm (Prescient & Strategic Intelligence, 2020). Các ngành về giám sát công, phát hiện bất thường, công nghệ sinh học… cũng là những hướng Viettel cần xem xét trong hệ sinh thái của mình.

Làm AI dễ hay khó

Các công ty công nghệ cần phải đưa ra một tầm nhìn về chiến lược AI của mình, càng sớm càng tốt. Đó không nhất thiết phải là một tầm nhìn quá to lớn, mà có thể bắt đầu từ những công việc đơn giản trên các mắc xích của hệ sinh thái AI toàn cầu, chẳng hạn như gắn nhãn đối tượng, đến phát triển các ứng dụng dựa trên API, SDK có sẵn hay tạo ra công nghệ lõi riêng của mình một cách tự chủ.

Để AI có thể trở thành giấc mơ có thực, cần có quyết tâm thay đổi của lãnh đạo. Đối với Viettel, đó không phải là cách tiếp cận nghiên cứu hàng loạt và thử sai thoải mái do đầu tư cả về nhân lực lẫn tài nguyên máy tính không phải như các siêu công ty như Amazon, Google hay Microsoft. Công ty cần định danh các bài toán cụ thể để sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bên cạnh đó, cần rất quyết tâm cạnh tranh sòng phẳng về bài toán nhân lực nghiên cứu. Hiện trạng Việt Nam có một lực lượng kỹ sư công nghệ có thể làm được AI một cách khiêm tốn, nhưng để tiến xa với AI, cần có đội ngũ nghiên cứu bậc cao mới có thể có sản phẩm tốt. Có thể phải nghĩ đến việc lập ra các văn phòng nghiên cứu tại Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, Singapore hoặc Hàn Quốc để thu hút các nhân tài nghiên cứu này.

Để làm ra các ứng dụng AI đơn giản, với xu hướng dân chủ hóa các framework AI, là điều không khó. Thế nhưng đưa ra một sản phẩm AI có khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ là một bài toán khó cả về đặt đề bài lẫn triển khai do cạnh tranh nhân lực và sự đắt đỏ của đầu tư máy tính toán hiệu năng cao.

Về diễn giả

TS.Trần Thế Truyền là Phó Giáo sư tại Đại học Deakin. Ông là thành viên của Viện Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng, nơi ông đang lãnh đạo công việc nghiên cứu về lĩnh vực Học sâu (Deep learning) và ứng dụng trong y tế, gen, phần mềm và khoa học vật liệu.

Các chủ đề nghiên cứu khác của ông bao gồm mô hình đồ họa xác suất, hệ thống khuyến nghị, học cách xếp hạng, phát hiện bất thường, cơ sở dữ liệu đa quan hệ, độ ổn định của mô hình và phân tích kiểu hỗn hợp.

Các công trình nghiên cứu của ông được xuất bản trên CVPR, NIPS, UAI, AAAI, KDD, ICML, PAKDD và ACML. Ông cũng nhận được nhiều sự công nhận, giải thưởng bao gồm Giải thưởng Bài nghiên cứu xuất sắc nhất tại UAI (2009), Giải thưởng Geelong Tech (2013), Bài nghiên cứu hay nhất CRESP của năm (2014), Giải ba về Kaggle Galaxy-Zoo Challenge (2014), Danh hiệu của Kaggle Master (2014), Giải thưởng dành cho sinh viên xuất sắc nhất tại ADMA (2016), Bài nghiên cứu xuất sắc tại ACM SIGSOFT (2015), và Á quân dành cho sinh viên xuất sắc nhất tại PAKDD (2016).

Về IMT

IMT là nhà tư vấn về Tổ chức xuất sắc, với thế mạnh về tối ưu hóa vận hành và xây dựng nội lực tổ chức. IMT hỗ trợ tích cực các tổ chức thực hiện chuyển đổi số thành công từ phương diện nhận diện cơ hội và thay đổi mô hình kinh doanh, tối ưu hóa quy trình và biến chuyển văn hóa cũng như năng lực con người.

Đọc thêm các bài viết về hoạt động của IMT tại https://www.imt.vn/hoat-dong/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *