Sản xuất bền vững: lộ trình 6 bước

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một mục tiêu quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Nhiều người nghĩ rằng thực hiện sản xuất bền vững là việc làm gia tăng chi phí nhưng hiệu quả kém. Bài viết này sẽ đưa ra lộ trình tiếp cận sản xuất bền vững theo cách có thể vừa làm bền vững, vừa gia tăng lợi nhuận.

Lưu Nhật Huy, Managing Director, IMT

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là gì

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là tạo ra và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ theo cách thức để tối thiểu hóa việc gây hại đến môi trường sống, sử dụng tài nguyên như năng lượng, nước và nguyên liệu, và thúc đẩy công bằng xã hội bằng cách đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với tài nguyên và cơ hội, đặc biệt cho các cộng đồng yếu thế.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững luôn đi song song. Nhu cầu về tiêu dùng bền vững sẽ thúc đẩy sản xuất bền vững, và ngược lại. Việc này đòi hỏi cả hai phía phải ra những quyết định lựa chọn có tính trách nhiệm cao hơn trước đây.

Các xu hướng chính trong sản xuất bền vững

Có 5 xu hướng chính trong sản xuất bền vững, từ sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh đến tái thiết kế quy trình và sử dụng nguyên vật liệu mới. Độ phổ biến xuất hiện theo thứ tự từ trên xuống như sau:

Vì sao cần quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thị trường luôn có tiếng nói quyết định. Thực tế là số lượng người tiêu dùng quan tâm đến việc tiêu dùng xanh, tái sử dụng, quan tâm đến nguồn gốc bền vững nguyên vật liệu… đã gia tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua. Có đến 54% người dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho các sản phẩm bền vững.

Nên lưu ý, dù người dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn, vẫn có đến 72% người tiêu dùng muốn sản phẩm vừa xanh nhưng vừa rẻ hơn. Do đó, nhà sản xuất vừa phải quan tâm đến cung cấp sản phẩm bền vững, vừa giảm giá thành. Khó có thể thành công với chỉ một trong hai yêu cầu.

GenZ đang nổi lên như một lớp người tiêu dùng có kiến thức và quan tâm nhiều đến môi trường. Tuy nhiên trong thực tế, GenZ vẫn thường chọn mua sản phẩm thời trang nhanh, hàng điện tử giá rẻ… Do đó, cho đến hiện tại, GenZ vẫn chưa phải là nhóm tiêu dùng quyết định về nhu cầu tiêu dùng bền vững, mà là các nhóm tuổi trước đó.

Lộ trình tiến đến sản xuất bền vững

IMT đề nghị lộ trình 6 bước như sau để các doanh nghiệp tham khảo và lập chiến lược sản xuất bền vững cho mình.

Bước 1: đánh giá hiện trạng

1. Audit

  • Đánh giá việc sử dụng tài nguyên, tiêu thụ năng lượng, lượng phế thải và khí thải hiện tại
  • Xác định các quy trình không tạo giá trị gia tăng (NVA) có thể được tối ưu hóa

2. So sánh với tiêu chuẩn ngành

  • So sánh các thực hành bền vững với các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hoặc doanh nghiệp có quen biết để xác định khoảng cách mình đang ở đâu với họ

3. Hiểu rõ quy định liên quan

  • Làm quen với các quy định môi trường và yêu cầu tuân thủ từ khách hàng (là nhà mua hàng lớn hoặc yêu cầu riêng ở quốc gia nhập khẩu), ở cấp địa phương (tỉnh, thành phố, chuẩn quốc gia) và toàn cầu.

Bước 2: Lập mục tiêu và cam kết

1. Đặt mục tiêu và chỉ số rõ ràng

  • Ví dụ: Hiệu quả năng lượng (kWh/đơn vị), giảm chất thải (tấn/năm), lượng khí thải carbon (CO2/đơn vị)
  • Có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, SMART. Chẳng hạn như trong 1-2 năm đầu chỉ tập trung giảm năng lượng tiêu thụ, năm 2-3 mới tính đến tăng năng suất từ ứng dụng công nghệ cao.

2. Thu hút lãnh đạo và nhân viên

  • Đảm bảo cam kết từ ban quản lý và phân bổ nguồn lực cho các sáng kiến bền vững
  • Đào tạo nhân viên về các thực hành bền vững và khuyến khích họ tham gia các dự án đổi mới, dù nhỏ. Chẳng hạn, thay vì thải nhớt thì tái sử dụng để lau chùi

3. Lôi cuốn nhà cung cấp của mình

  • Hợp tác với các nhà cung cấp có cùng mục tiêu bền vững, chẳng hạn như cung cấp nguyên liệu thân thiện môi trường

Bước 3: Phát triển và thực hiện 

1. Áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng

  • Nâng cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất
  • Triển khai các giải pháp năng lượng tái tạo như điện mặt trời hoặc gió

2. Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên

  • Giảm thiểu việc sử dụng nước và nguyên liệu thô thông qua kiểm soát quy trình tốt hơn và sáng kiến tái chế

3. Thiết kế và sản xuất sản phẩm bền vững

  • Sử dụng nguyên liệu bền vững và thiết kế để tăng độ bền, khả năng tái chế và giảm thiểu chất thải
  • Phát triển các chương trình thu hồi và chiến lược tái chế hoặc tái sử dụng sản phẩm khi kết thúc vòng đời

Bước 4: Ứng dụng công nghệ

1. Áp dụng sản xuất thông minh

  • Sử dụng IoT, AI và tự động hóa để theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên theo thời gian thực

2. Áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến

  • Khám phá sản xuất phụ gia (in 3D) để sản xuất theo yêu cầu, giảm chất thải và tồn kho

3. Sử dụng phân tích dữ liệu

  • Phân tích dữ liệu sản xuất để xác định những điểm kém hiệu quả và theo dõi tiến độ so với các mục tiêu bền vững

*Lưu ý là bước này cũng có thể là bước thành phần của bước 3. Tuy nhiên, IMT đề nghị tách riêng bước này vì không nên vội vàng đổ xô vào công nghệ khi dòng chảy giá trị của công ty chưa được thông suốt.

Bước 5: Đo lường và cải tiến

1. Theo dõi và đánh giá thường xuyên

  • Sử dụng dashboard bền vững để giám sát việc sử dụng năng lượng, tạo chất thải và khí thải theo thời gian thực
  • Đánh giá hiệu quả

2. Báo cáo minh bạch

  • Chia sẻ tiến độ với các bên liên quan thông qua báo cáo bền vững và các chứng nhận (ví dụ: ISO 14001, LEED)

3. Cải tiến liên tục

  • Xây dựng văn hóa, khuyến khích đổi mới từ nhân viên về thực hành bền vững
  • Cập nhật thông tin, công nghệ và mở rộng giải pháp

Bước 6: Mở rộng cộng tác

1. Tận dụng các ưu đãi của chính phủ hoặc NGO

  • Xin các khoản tài trợ, trợ cấp hoặc ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững. Hiện đang có những chương trình tài trợ từ chính phủ Anh, Thụy Sĩ, Ngân hàng Thế giới…

2. Tham gia vào các nhóm

  • Tham gia các diễn đàn và liên minh tập trung vào bền vững để chia sẻ kiến thức và tài nguyên

3. Thu hút người tiêu dùng và thị trường

  • Tiếp thị nêu bật các tính năng thân thiện với môi trường thông qua nhãn mác và chứng nhận
  • Nâng cao nhận thức về lợi ích của các sản phẩm và thực hành bền vững. Ví dụ như áo sợi tre không cần ủi vẫn thẳng.
  • Lấy phản hồi của khách hàng làm đầu vào cải tiến

IMT là nhà tư vấn vận hành xuất sắc có 20 năm kinh nghiệm tối ưu hóa vận hành cho các doanh nghiệp trong nước và đa quốc gia. Hãy liên lạc IMT khi cần đào tạo hoặc tư vấn về ESG, SDGs, cắt giảm lãng phí, ứng dụng LEAN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *